Xe đạp điện không những giúp mọi người đi lại thuận tiện, mà còn góp phần tiết kiệm chi phí và hạn chế khí thải. Tuy vậy, các lỗi xe đạp điện có thể khiến người dùng bối rối nếu không biết nguyên do và cách sửa chữa.
9 lỗi thường gặp ở xe đạp điện và cách khắc phục
Những vấn đề phổ biến của xe đạp điện là gì? Mời bạn cùng Đại Lý Xe Điện tìm hiểu ngay sau đây để việc lái xe được an toàn nhé!
1 – Xe bật khóa nhưng không lên điện
Nguyên nhân dẫn tới việc khởi động xong nhưng xe đạp điện không chạy được có thể bắt nguồn từ lỗi aptomat bị nhảy, ổ khoá điện chập chờn, jack cắm và các mối dây bị đứt hoặc lỏng lẻo, cầu chì bị đứt, hoặc hệ thống dây điện trong bình ắc quy gặp sự cố.
Với trường hợp này, người dùng cần mang xe đến trạm dịch vụ bảo hành sửa chữa chính hãng để kiểm tra.
2 – Xe đạp điện vặn ga không chạy
Vì sao đã bật khóa điện, vặn ga nhưng xe không chạy?
Có nhiều nguyên nhân, bao gồm bình điện bị yếu hoặc hỏng, lỗi tay phanh/tay ga, IC bị hỏng, ổ khóa điện chập chờn hoặc động cơ bị cháy.
Nếu là do ngắt phanh, chủ phương tiện có thể cắt đứt dây ngắt phanh để xe đạp điện hoạt động bình thường trở lại.
Nếu do các nguyên nhân khác, bạn nên đưa xe đến nơi bảo hành chính hãng để được khắc phục lỗi.
3 – Bánh xe đạp điện kêu lớn
Dù lỗi này không quá nghiêm trọng, nhưng xe đạp điện có tiếng kêu khi chạy sẽ gây hại cho bánh xe và các linh kiện khác, cũng như làm giảm trải nghiệm của người dùng.
Âm thanh khó chịu phát ra từ bánh sau khi xe đang di chuyển có thể là do vành xe bị đảo, ổ bi bị vỡ, kẹt hệ thống phanh, xích và líp đang có trục trặc. Tùy vào từng nguyên nhân, người dùng sẽ có phương án thay thế phù hợp.
Nếu bánh trước kêu, có thể do ổ bi bị vỡ, lỏng hoặc má phanh bị kẹt. Trong trường hợp này, bạn cũng nên mang xe đến nơi bảo hành để được kiểm tra xe đạp điện và sửa chữa.
4 – Xe đạp điện chập mạch, bốc khói và cháy nổ
Đây là một trong những lỗi xe đạp điện gây nguy hiểm và cần được xử trí kịp thời.
Nguyên nhân cụ thể thường là do hai dây âm dương của bình ắc quy chồng chéo lên nhau, hoặc do bình ắc quy của xe kém chất lượng, sinh ra quá nhiều nhiệt năng gây chập điện.
Xe bị lỗi chập điện không thể tái sử dụng hay tự sửa chữa, thế nên chủ xe nên dắt bộ phương tiện đến cơ sở sửa chữa gần nhất để được hỗ trợ.
Ngoài ra, ngay khi phát hiện sự cố chập cháy xe, người dùng cần nhanh chóng ngắt kết nối nguồn. Nếu có thể, hãy di chuyển xe đang cháy ra khu vực thông thoáng, tránh xa các vật dụng dễ bắt lửa, tránh làm hỏa hoạn bùng lên.
Xem thêm: Cách sạc xe đạp điện đảm bảo an toàn
5 – Đồng hồ xe đạp điện nhấp nháy
Lý do khiến đồng hồ điện chập chờn, nhấp nháy thường nằm ở jack cắm từ xe với bình điện không chắc chắn, mối nối đấu bình điện hoặc ổ khóa điện bị lỏng.
Muốn khắc phục lỗi này, bạn nên kiểm tra các mối nối giữa bình điện với chiếc xe.
6 – Vạch báo lượng điện của xe đạp điện bị hỏng
Một lỗi thường thấy khác là xe đạp điện sạc nhanh đầy nhưng chỉ di chuyển được quãng đường ngắn đã hết pin, hay còn gọi là hiện tượng pin ảo.
Điều đó cho thấy hệ thống pin hoặc ắc quy rất có thể đã bị chai pin, hỏng hoặc quá thời hạn sử dụng.
Khi vướng phải trường hợp này, bạn cần mang xe đến trung tâm sửa chữa để kiểm tra tình trạng nguồn điện.
Thêm vào đó, để kéo dài thời gian sử dụng của bình ắc quy/pin, bạn có thể áp dụng các phương pháp tiết kiệm năng lượng đơn giản như giảm tốc độ, không bật đèn khi không cần thiết và tránh lái xe điện trong thời tiết xấu.
7 – Xe đạp điện sạc không vào
Hầu hết trường hợp xe đạp điện không nhận sạc bắt nguồn từ bộ sạc bị hỏng, dây nối giữa bình điện và chân sạc bị đứt hoặc hở, hoặc cũng có thể bởi dây điện bên trong bị chập cháy.
Biện pháp khắc phục là kiểm tra xem dây nối giữa bình điện và chân sạc có bị gián đoạn hay không.
Nếu dây nối đã hỏng thì nên được thay thế bằng dây mới, bộ sạc hỏng thì cần thay bộ sạc mới để bình điện không bị chai, phồng, không đảm bảo an toàn.
8 – Cổ xe đạp điện bị cứng
Nếu bạn đi xe đạp điện gấp và cảm thấy cổ xe quá cứng, khó điều khiển, rất có thể là do siết quá chặt hoặc khô dầu.
Lúc này, bạn chỉ cần nới lỏng cổ phốt hoặc tra thêm dầu vào vòng bi.
Mặt khác, vòng bi cổ phốt bị đứt hoặc bánh trước non hơi cũng có thể dẫn đến tình trạng này. Cách khắc phục không khó, vì bạn chỉ cần thay thế vòng bi, bơm căng lốp xe trước khi vận hành.
9 – Xe đạp điện bị giật khi tăng ga
Xe đạp điện chậm tăng tốc, bị giật khi tăng ga, bị ì máy là do nguyên nhân gì?
Câu trả lời có thể nằm ở IC (bộ phận điều khiển tốc độ) bị hỏng hoặc chập điện.
Đối với lỗi IC, có thể do jack cắm IC không kín hoặc bộ điều tốc IC đã hư, thường do nước xâm nhập, hoặc bình điện bị hỏng và sạc quá dòng sạc tối đa. Cách khắc phục duy nhất là thay cụm IC mới.
Đối với nguyên nhân chập điện, có khả năng người dùng đã di chuyển trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, đường ngập lụt, hoặc khi rửa xe đạp điện bất cẩn làm cho bình điện ẩm ướt. Để khắc phục, chủ xe cần mang phương tiện đến trung tâm bảo hành để kỹ thuật viên kiểm tra, đồng thời hạn chế lái xe ở những đoạn đường ngập sâu.
Các phương pháp bảo dưỡng giúp tránh lỗi xe đạp điện
Khi bạn vận hành và bảo quản xe đạp điện đúng cách, phương tiện sẽ đảm bảo an toàn khi điều khiển và có tuổi thọ bền bỉ.
Và sau đây là một số bí quyết giúp giữ gìn, bảo quản xe đạp điện tránh bị lỗi:
♥ Thường xuyên kiểm tra dung lượng pin xe để sạc kịp thời
♥ Tránh chạy xe đến khi cạn kiệt pin mới nạp điện
♥ Sạc pin định kỳ dù không sử dụng xe trong thời gian dài
♥ Đậu xe ở nơi khô thoáng, tránh khu vực nóng ẩm, chứa nhiều vật dễ cháy nổ
♥ Duy trì tốc độ ổn định, không chở quá tải khi sử dụng xe đạp điện
♥ Tránh để xe điện ngoài trời mưa quá lâu hoặc thường xuyên đi vào vùng ngập nước
♥ Nhanh chóng đưa xe tới trung tâm bảo hành sửa chữa khi nước đã xâm nhập vào động cơ và bình điện
Xe đạp điện sau một thời gian đưa vào sử dụng, nếu không có quá trình bảo dưỡng tốt thì rất dễ phát sinh lỗi. Vì thế, đừng quên kiểm tra định kỳ cho xe đạp điện của bạn, liên hệ với trung tâm bảo hành hoặc đến trực tiếp cửa hàng để được hỗ trợ kịp thời cho các vấn đề nghiêm trọng. Hy vọng những thông tin về lỗi xe đạp điện thường gặp mà bài viết này cung cấp sẽ hữu ích cho bạn.